Những điều cần biết về virus Zika

Những điều cần biết về virus Zika

Virus Zika hiện đang là một vấn đề ngiêm trọng đối với tổ chức Y tế thế giới và Brazil đang là tâm điểm của đại dịch này.

      Để cung cấp thông tin và kỹ năng phòng chống virus Zika gây nên, Tổ chức Y tế thế giới cung cấp thông tin về virus Zika để người dân chủ động phòng chống.

muoi-aedes.jpg

Muỗi Aedes truyền bệnh Zika

          Virus Zika có ở đâu?

         Virus Zika có ở vùng nhiệt đới nơi các quần thể muỗi lớn, được biết lưu hành ở châu Phi, châu Mỹ, Nam Á và Tây Thái Bình Dương.

          Virus Zika được phát hiện vào năm 1947, nhưng trong nhiều năm chỉ có một số trường hợp rải rác được phát hiện ở châu Phi và Nam Á. Năm 2007, dịch bệnh do virus Zika được ghi nhận đầu tiên ở Thái Bình Dương. Kể từ năm 2013, các ca bệnh và bùng phát dịch của căn bệnh này được báo cáo từ Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ và châu Phi. Do môi trường nơi muỗi có thể sống và sinh sôi ngày càng mở rộng, do tác động của đô thị hóa và toàn cầu hóa, những vụ dịch bệnh lớn do virus Zika ở đô thị có khả năng xảy ra trên toàn cầu.

          Người nhiễm virus Zika như thế nào?

         Người bị muỗi Aedes nhiễm bệnh đốt có thể nhiễm virus Zika – đây cũng là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, bệnh chikungunya và bệnh sốt vàng. 
Các triệu chứng phổ biến nhất của nhiễm vi rút bao gồm nhức đầu nhẹ, phát ban hoặc phát ban dát sẩn, sốt, khó chịu, viêm kết mạc và đau khớp. Trong khi trường hợp đầu tiên, ghi nhận sự lây nhiễm virus Zika đã được mô tả vào năm 1964. Bắt đầu với một cơn đau đầu nhẹ và tiến triển thành phát ban dát sần với sốt và đau lưng. Sau hai ngày, phát ban bắt đầu giảm. Đến ngày thứ ba, cơn sốt giảm xuống chỉ còn phát ban. Sốt Zika được coi là một bệnh tương đối nhẹ và hạn chế, chỉ 1 trong 5 người sẽ phát triển thành các triệu chứng điển hình, mà không gây tử vong, nhưng tác nhân thực sự để gây bệnh của virus này thì chưa rõ

phat-ban-do-muoi-aedes.jpg

Phát ban do muỗi Aedes

         Muỗi Aedes có thể tồn tại ở đâu?

        Có 2 loại muỗi Aedes có khả năng truyền virus Zika. Trong hầu hết các trường hợp, Zika lây lan qua muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Muỗi vằn Aedes không sống được ở nhiệt độ khí hậu lạnh hơn. Muỗi Aedes albopictus cũng có thể truyền virus . Muỗi này có thể ngủ đông và tồn tại ở các vùng có nhiệt độ mát hơn.

       Muỗi Aedes có thể di chuyển từ quốc gia này đến quốc gia khác hay từ vùng này đến vùng khác được không?

        Muỗi Aedes có khả năng bay yếu; nó không thể bay quá 400 mét. Nhưng nó có thể vô tình được vận chuyển bởi con người từ nơi này đến nơi khác. Nếu nó có thể tồn tại trong môi trường nhiệt độ của điểm đến, về mặt lý thuyết nó có thể tự sinh sản và truyền virus Zika tới các khu vực mới.


ban-do-phan-tan-virus-zika.jpg

Bản đồ những nơi có Virus Zika

        
         Những biến chứng tiềm ẩn của virus Zika có thể là gì?

        Do từ trước năm 2007 không có một vụ dịch virus Zika lớn nào được ghi nhận, hiểu biết về các biến chứng của bệnh này là rất hạn chế.

       Trong thời gian dịch Zika đầu tiên diễn ra tại Polynesia thuộc Pháp vào năm 2013-2014, trùng với khoảng thời gian xảy ra dịch sốt xuất huyết, cơ quan y tế quốc gia báo cáo về sự gia tăng bất thường đối với hội chứng Guillain-Barré. Các điều tra hồi cứu về sự ảnh hưởng này đang được tiến hành, bao gồm vai trò tiềm năng của virus Zika và các yếu tố khác. Một quan sát tương tự đối cũng cho thấy đối với sự gia tăng của hội chứng Guillain-Barré trong vụ dịch virus Zika đầu tiên ở Brazil vào năm 2015.

        Trong năm 2015, cơ quan y tế địa phương ở Brazil cũng quan sát thấy có sự gia tăng trẻ sơ sinh với dị tật đầu nhỏ cùng thời điểm bùng phát dịch virus Zika. Cơ quan Y tế và các cơ quan khác đang điều tra mối liên quan tiềm năng giữa tật đầu nhỏ và virus Zika, bên cạnh những nguyên nhân có thể khác. Tuy nhiên cần có thêm các điều tra và nghiên cứu để có thể hiểu rõ hơn bất cứ mối liên quan có thể nào.

        Hội chứng Guillain-Barré là một tình trạng mà trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công một phần của hệ thần kinh. Nó có thể do việc nhiễm một số loại virus  và có thể ảnh hưởng đến người ở mọi lứa tuổi. Chính xác những gì gây nên hội chứng chưa được biết. Các triệu chứng chính bao gồm yếu cơ và cảm giác kiến bò (tê và ngứa) ở tay và chân. Các biến chứng nặng có thể xảy ra nếu các cơ hô hấp bị ảnh hưởng, cần phải nhập viện. Hầu hết các trường hợp bị ảnh hưởng bởi hội chứng Guillain-Barré sẽ phục hồi, mặc dù một số người có thể tiếp tục trải qua các ảnh hưởng như suy yếu.


        Phụ nữ mang thai có nên lo lắng về Zika?

       Cơ quan y tế hiện đang điều tra mối liên quan tiềm năng giữa virus Zika ở phụ nữ mang thai và dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh của họ. Cho đến khi chúng ta có thể hiểu rõ hơn về mối liên quan này, những phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai cần hết sức lưu ý bảo vệ mình khỏi bị muỗi đốt.
      Nếu bạn đang mang thai và nghi ngờ bạn có thể có bệnh virus Zika, hỏi ý kiến bác sĩ để được theo dõi chặt chẽ trong quá trình mang thai của bạn.

tre-em-bi-di-tat-dau-nho-do-virus-zika.jpg

Trẻ em bị dị tật đầu nhỏ do virus Zika

          Dị tật đầu nhỏ là gì?

        Dị tật đầu nhỏ là một tình trạng hiếm gặp khi một trẻ sơ sinh có đầu nhỏ bất thường. Điều này là do sự phát triển não không bình thường của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ hoặc trong giai đoạn sơ sinh. Trẻ sơ sinh và trẻ em bị tật đầu nhỏ thường gặp phải những khó khăn với sự phát triển não bộ khi chúng lớn lên.

        Tật đầu nhỏ có thể do ảnh hưởng của một loạt các yếu tố môi trường và di truyền như hội chứng Downs; sử dụng hay tiếp xúc với ma túy, rượu hoặc các chất độc khác trong tử cung; và nhiễm rubella trong khi mang thai.

       Điều trị bệnh virus Zika như thế nào?

      Các triệu chứng của bệnh virus Zika có thể được điều trị bằng thuốc hạ sốt và giảm đau thông thường, nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Nếu triệu chứng xấu đi, mọi người nên tìm tư vấn y tế. Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vắc-xin cho bệnh này.

       Bệnh virus Zika được chẩn đoán như thế nào?

       Với hầu hết các trường hợp được chẩn đoán nhiễm bệnh virus Zika, việc chẩn đoán dựa trên các triệu chứng và tiền sử gần đây của họ (ví dụ muỗi đốt, hoặc đi đến nơi có virus Zika lưu hành). Phòng thí nghiệm có thể xác định chẩn đoán bằng xét nghiệm máu.

        Có thể làm gì để tự bảo vệ bản thân?

       Việc bảo vệ tốt nhất đối với virus Zika là tránh bị muỗi đốt. Ngăn ngừa muỗi đốt sẽ bảo vệ con người khỏi virus Zika cũng như các bệnh khác do muỗi truyền qua như sốt xuất huyết, chikungunya và sốt vàng.

        Điều này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng thuốc chống côn trùng; mặc quần áo (tốt hơn là màu sáng) che càng kín cơ thể càng tốt; sử dụng các rào cản vật chất như lưới chống muỗi đóng kín cửa ra vào và cửa sổ; ngủ trong màn. Ngoài ra, cần đổ hết nước, làm sạch hoặc đậy kín các thùng chứa nước như xô, chậu hoa hoặc lốp xe cũ, để loại bỏ những nơi muỗi có thể sinh sản.

        Có nên đi đến những nơi bệnh virus Zika đang xảy ra?

       Để phòng tránh virus Zika và các bệnh do muỗi truyền khác, tất cả mọi người nên tránh để muỗi đốt bằng các biện pháp được mô tả ở trên. Phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai nên làm theo lời khuyên này và cũng có thể tham khảo ý kiến cơ quan y tế địa phương họ nếu đi tới một khu vực đang có dịch virus Zika.

        Dựa trên những bằng chứng sẵn có, WHO không khuyến cáo bất kỳ hạn chế nào về thương mại hay du lịch liên quan đến bệnh virus Zika. Như một biện pháp phòng ngừa, một số chính phủ quốc gia đã đưa ra các khuyến nghị về y tế công cộng và du lịch cho người dân của mình, dựa trên đánh giá của họ về các bằng chứng sẵn có và các yếu tố nguy cơ tại địa phương.

        El Nino có thể có ảnh hưởng đến Zika không?

        Muỗi Aedes aegypti sinh sản trong nước đọng. Hạn hán nghiêm trọng, lũ lụt, mưa lớn và nhiệt độ tăng được biết là do ảnh hưởng của El Nino, sự ấm lên của khu vực phía đông và trung tâm của vùng biển nhiệt đới Thái Bình Dương. Nhiều khả năng về sự tiếp tục gia tăng số lượng muỗi do nơi sinh sản mở rộng và thuận lợi hơn. Các bước có thể thực hiện để ngăn chặn và giảm thiểu các tác hại của hiện tượng El Nino, đặc biệt bằng cách giảm số lượng quần thể muỗi làm lây lan virus Zika. WHO và các đối tác đang phối hợp cùng nhau để hỗ trợ bộ y tế các nước nhằm:
        • Tăng cường sự chuẩn bị và và ứng phó với El Nino;
       • Đẩy mạnh mọi hành động giúp kiểm soát quần thể muỗi như các biện pháp giảm nguồn nhằm vào các điểm muỗi sinh sản chính, phân phối larvicide (thuốc diệt côn trùng chuyên dụng đối với giai đoạn ấu trùng của muỗi Aedes) để xử lý những điểm nước đọng vốn không thể xử lý theo cách khác (làm sạch, đổ bỏ, che đậy), v.v.
       • Tăng cường giám sát véc tơ (ví dụ, bao nhiêu địa điểm sinh sản trong một khu vực, tỷ lệ giảm các địa điểm)
         • Giám sát tác động của các hoạt động nhằm kiểm soát quần thể muỗi.
        • Các hộ gia đình cũng có thể giúp làm giảm quần thể muỗi. Các vật đựng có thể chứa một lượng nhỏ nước như xô, chậu hoa hoặc lốp xe cũ nên bỏ hết nước, làm sạch hoặc che chắn để muỗi không thể sử dụng chúng làm nơi sinh sản (kể cả trong hạn hán nghiêm trọng).

          Những hạn chế trong hiểu biết của chúng ta về virus Zika?

       Các vấn đề chính cần được làm rõ trong sự hiểu biết của chúng ta về bệnh virus Zika bao gồm:
       • Đặc điểm dịch tễ học của virus , ví dụ: thời kỳ ủ bệnh, vai trò của muỗi trong việc truyền virus  và địa bàn lây lan của nó.
        • Các biện pháp ứng phó y tế tiềm năng (bao gồm cả phương pháp điều trị và vắc xin) có thể được phát triển.
        • Virus Zika tương tác với các arboviruses khác như thế nào (virus  được truyền qua muỗi, bọ ve và động vật chân đốt khác) như sốt xuất huyết.
        • Phát triển các xét nghiệm chẩn đoán đặc hiệu hơn đối với virus Zika để có thể làm giảm khả năng chẩn đoán sai do sự hiện diện virus  sốt xuất huyết hay các virus  khác trong một mẫu xét nghiệm.

        WHO đang làm gì?

      WHO đang làm việc với các nước để:
        • Xác định và ưu tiên nghiên cứu bệnh virus Zika thông qua việc triệu tập các chuyên gia và các đối tác.
         • Tăng cường giám sát virus Zika và các biến chứng tiềm năng.
       • Nâng cao năng lực truyền thông nguy cơ để giúp các nước đáp ứng các cam kết của họ theo Điều lệ Y tế Quốc tế.
         • Cung cấp đào tạo về quản lý lâm sàng, chẩn đoán và kiểm soát vector bao gồm việc thông qua một số Trung tâm Phối hợp WHO.
         • Tăng cường năng lực của các phòng thí nghiệm để phát hiện virus .
        • Hỗ trợ các cơ quan y tế để thực hiện các chiến lược kiểm soát vector nhằm giảm quần thể muỗi Aedes như cung cấp hóa chất larvicide để xử lý các điểm nước đọng mà không thể xử lý được bằng cách khác, chẳng hạn như làm sạch, đổ bỏ và che đậy.
        • Phối hợp với các chuyên gia và các cơ quan y tế khác chuẩn bị các khuyến nghị cho chăm sóc lâm sàng và theo dõi những người nhiễm virus Zika.

Theo Văn Phòng WHO Việt Nam

SkyDoor - Không Gian An Toàn